GD&TĐ – Từ số liệu nghiên cứu về sức khỏe tâm thần tuổi vị thành niên, chuyên gia đưa khuyến cáo về công tác này trong trường học.
Đây là nội dung được chia sẻ trong hội thảo “School of Wellbeing: Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe tinh thần trong nhà trường”. Hội thảo Alpha School phối hợp với Hệ thống liên cấp chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường Phổ thông liên cấp H.A.S, Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức.
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Lệ Thu, Trường ĐHSP Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam cho biết: Dự án quốc tế Điều tra quốc gia về sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam (Viện Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tiến hành khảo sát trên 5.996 cặp cha mẹ đến từ 38 tỉnh/thành từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2021.
Kết quả cho thấy, có 1/5 số trẻ vị thành niên (21,7%) có vấn đề về sức khỏe tâm thần; trong đó 1/30 đáp ứng các tiêu chí đối với một rối loạn tâm thần (3,3%). Lo lắng là vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất (18,6%), tiếp theo là trầm cảm (4,3%).
Chỉ có 6,5% vị thành niên đã tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần và hơn một nửa (50,8%) chỉ tiếp cận một lần. Chỉ có 5,1% cha mẹ xác định rằng vị thành niên của họ cần được giúp đỡ đối với các vấn đề về cảm xúc và hành vi, mặc dù 21,7% thanh thiếu niên đã gặp phải vấn đề sức khỏe tâm thần trong cùng thời kỳ.
Cũng theo kết quả khảo sát, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của vị thành niên. 7,7% vị thành niên cho biết thường gặp ít nhất một vấn đề về cảm xúc hoặc hành vi nhiều hơn bình thường trong thời gian đại dịch Covid-19.
Theo gợi ý của Viện sức khỏe Hoa Kỳ, để giảm thiểu được việc học sinh gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần thì cần có sự phối hợp của gia đình – nhà trường – xã hội. Nhà trường cần xây dựng các chương trình phòng ngừa, tham vấn và hỗ trợ trị liệu. Gia đình cần tạo được kết nối an toàn. Xã hội cần tạo ra các cơ chế, điều kiện để hỗ trợ học sinh tốt nhất.
Trên thực tế, tại Việt Nam các hoạt động này còn chưa thực sự được chú ý đúng mực vì những nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Tại hội thảo, một số mô hình tham vấn tâm lý học đường trên thế giới như Pháp, Singapore, Trung Quốc và ứng dụng mô hình tâm lý học đường quốc tế vào Việt Nam cũng được PGS.TS. Trần Thị Lệ Thu chia sẻ.
“Làm tâm lý là một hành trình cực kỳ bền bỉ và cần có trái tim nhân hậu, nghĩ đến học sinh và nghĩ đến sự khỏe mạnh, ổn định lâu dài”, PGS.TS. Trần Thị Lệ Thu nhấn mạnh.
Theo TS.Trần Thị Thanh Thuỷ – Tổng Hiệu trưởng Hệ thống Giáo dục Alpha School, lấy giáo dục giá trị và đạo đức làm trọng tâm, Alpha School luôn quan tâm đến chăm lo đời sống tinh thần và phát triển nhân cách. Các hoạt động giáo dục của nhà trường hướng đến một môi trường lành mạnh, kết hợp song song giữa hoạt động học thuật với chăm sóc về sức khỏe tinh thần và thể chất dựa trên mục tiêu cá nhân hoá người học.
“Alpha School đã và đang nỗ lực không ngừng để hướng tới mục tiêu trở thành Trường học hạnh phúc theo tiêu chí của UNESCO. Mô hình Happy School đã được thử nghiệm, đạt được những hiệu quả nhất định trong năm học 2022 – 2023 và chắc chắn sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ hơn nữa trong năm học mới”.
Thông qua tổ chức hội thảo, mong rằng các trường phổ thông tại Hà Nội có thể kết nối các nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm và có những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần được triển khai trong trường học”, TS.Trần Thị Thanh Thuỷ cho hay.